Ban hành Luật về Phụ trợ bảo hiểm
Tin tức
Ngày 14/6/2019, Quốc Hội vừa thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ (Luật số 42/2019/QH14) theo trình tự, thủ tục rút gọn nhằm kịp thời nội luật hóa các nghĩa vụ phải thi hành ngay trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã có hiệu lực với Việt Nam từ ngày 14/01/2019.
Điểm nổi bật nhất của Luật số 42/2019/QH14 là việc ban hành quy định hoàn toàn mới về hoạt động Phụ trợ bảo hiểm, và nó được coi bộ phận cấu thành của hoạt động kinh doanh bảo hiểm, do doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm và tổ chức, cá nhân khác thực hiện nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm tư vấn bảo hiểm, đánh giá rủi ro bảo hiểm, tính toán bảo hiểm, giám định tổn thất bảo hiểm, hỗ trợ giải quyết bồi thường bảo hiểm.
Theo đó, có năm (05) nhóm dịch vụ Phụ trợ bảo hiểm (“PTBH”) bao gồm
- a) Tư vấn bảo hiểm là hoạt động cung cấp dịch vụ tư vấn về chương trình bảo hiểm, sản phẩm bảo hiểm, quản trị rủi ro bảo hiểm và đề phòng, hạn chế tổn thất.
- b) Đánh giá rủi ro bảo hiểm là hoạt động nhận diện, phân loại, đánh giá tính chất và mức độ rủi ro, đánh giá việc quản trị rủi ro về con người, tài sản, trách nhiệm dân sự làm cơ sở tham gia bảo hiểm.
- c) Tính toán bảo hiểm là hoạt động thu thập, phân tích số liệu thống kê, tính phí bảo hiểm, dự phòng nghiệp vụ, vốn, biên khả năng thanh toán, đánh giá kết quả hoạt động kinh doanh, xác định giá trị doanh nghiệp để bảo đảm an toàn tài chính của doanh nghiệp bảo hiểm.
- d) Giám định tổn thất bảo hiểm là hoạt động xác định hiện trạng, nguyên nhân, mức độ tổn thất, tính toán phân bổ trách nhiệm bồi thường tổn thất làm cơ sở giải quyết bồi thường bảo hiểm.
- e) Hỗ trợ giải quyết bồi thường bảo hiểm là hoạt động hỗ trợ bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm, người thụ hưởng hoặc doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện các thủ tục giải quyết bồi thường bảo hiểm.”.
Các cá nhân, tổ chức muốn cung cấp dịch vụ PTBH phải đáp ứng các điều kiện riêng biệt, đặc biệt là việc đáp ứng điều kiện về văn bằng, chứng chỉ về phụ trợ bảo hiểm phù hợp với loại hình dịch vụ phụ trợ bảo hiểm thực hiện; chi tiết được Quốc hội giao cho Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn.
Hoạt động cung cấp dịch vụ PTBH cũng phải tuân theo nhiều nguyên tắc như Giữ bí mật thông tin khách hàng, sử dụng thông tin khách hàng, mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp và bắt buộc phải ký hợp đồng dịch vụ bằng văn bản.
Luật số 42/2019/QH14 sẽ bắt đầu có hiệu lực từ 01/11/2019. Để giảm thiểu ảnh hưởng tới các cá nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm trước ngày Luật này có hiệu lực, Luật quy định thời hạn 1 năm (đến 31/10/2020) để các đối tượng này đáp ứng các điều kiện cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm theo quy định tại Luật này. Trường hợp hết thời hạn quy định tại khoản này mà không đáp ứng các điều kiện theo quy định thì cá nhân, tổ chức không được tiếp tục cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm cho đến khi đáp ứng đủ điều kiện.